VOV.VN - Những tháng đầu năm 2025, xuất khẩu dệt may đạt 17,8 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024… Mặc dù thị trường liên tục biến động, diễn biến khó lường của chính sách thuế quan, nhưng với sự chủ động, linh hoạt, các doanh nghiệp dệt may đều dồn lực cho sản xuất, giữ mạch tăng trưởng.


Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, ngay sau thông tin Mỹ tạm hoãn thuế 90 ngày, thị trường lập tức hồi phục, khách hàng gấp rút yêu cầu giao hàng trong thời gian ngắn. May 10 đã chủ động đàm phán lại với khách hàng trên tinh thần hợp tác bền vững, tối ưu hóa năng lực sản xuất, tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế, đồng thời chuẩn bị các kịch bản ứng phó dài hạn.


“Về cơ bản, các doanh nghiệp May đều có đơn hàng gần hết tháng 9. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu đều yêu cầu chia sẻ cho phần thuế cộng thêm. Các đơn vị tùy từng điều kiện sẽ có chính sách khác nhau với nhà nhập khẩu, mục đích để duy trì hoạt động sản xuất" - ông Long chia sẻ.


Với Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), mặc dù thị trường liên tục biến động, diễn biến khó lường của chính sách thuế quan, nhưng với sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, Vinatex vẫn giữ được mạch tăng trưởng từ nửa cuối năm 2024. Tập đoàn dệt may Việt Nam đã chỉ đạo các doanh nghiệp trong toàn bộ hệ thống thực hiện chiến dịch “90 ngày làm việc thần tốc”, tận dụng tối đa các đơn hàng đã ký kết, nỗ lực cao độ, quyết tâm về đích các đơn hàng của quý II trong 90 ngày (trước 5/7/2025).